Tỷ lệ tham gia thấp
Theo thống kê, hiện mới có hơn 225.000 người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, phần lớn là những người đã tham gia BHXH bắt buộc và nay đóng nốt thời gian còn lại theo quy định của Luật BHXH để lĩnh lương hưu.
Anh Chu Mạnh Hải, chủ cửa hàng khung nhôm kính trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) đến nay vẫn không biết có loại hình BHXH tự nguyện và hình thức tham gia như thế nào. “Tôi chỉ thấy có loại hình bảo hiểm nhân thọ được mời chào thường xuyên; còn loại hình BHXH tự nguyện để sau này hưởng lương hưu thì hoàn toàn chưa biết”, anh Hải chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thị Chung, chủ cửa hàng phố Đội Cấn (Hà Nội) cho biết: “Loại hình BHXH tự nguyện cũng được tổ phụ nữ phường giới thiệu. Tuy nhiên, tìm hiểu kỹ và so sánh với bảo hiểm nhân thọ thì nhận thấy mức đóng thì cao, trong khi chế độ hưởng thấp hơn. Đơn cử, nếu tham gia BHXH tự nguyện thì mức đóng 22%/tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; tuy nhiên, quyền lợi BHXH tự nguyện chỉ được hưởng lương hưu, tử tuất mà không được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động. Nếu cũng hình thức đóng như thế này thì tham gia đóng tại doanh nghiệp có lợi hơn”.
Lý giải về tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện thấp, ông Mai Quốc Thắng, Phó Trưởng Ban Thu (BHXH Việt Nam) cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của đại bộ phận lao động tự do, nhất là lao động ở nông thôn thấp, không ổn định; giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2015 mức đóng BHXH tự nguyện còn cao so với thu nhập của đa số người dân. Đồng thời, người dân tham gia BHXH tự nguyên chưa có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Còn từ ngày 1/1/2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng; tuy nhiên, mức hỗ trợ này còn rất thấp, không thể thúc đẩy tăng nhanh đối tượng tham gia, kể cả khi có hỗ trợ từ Nhà nước.
Bên cạnh đó, người lao động ở Việt Nam chưa có thói quen tham gia BHXH khi trẻ để hưởng lương hưu khi tuổi già. Mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện còn ít, trình độ đại lý thu còn hạn chế, nên chưa thuận tiện cho người lao động tham gia (người muốn tham gia BHXH tự nguyện nhưng không biết tham gia như thế nào, đóng ở đâu, mức đóng bao nhiêu, được hưởng các quyền lợi gì …)
Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến chính sách BHXH tự nguyện; chưa giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội nên chưa quan tâm phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Sự phối hợp trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH tự nguyện của các cấp, các ngành ở địa phương với cơ quan BHXH chưa thường xuyên, thiếu quan tâm, có nơi coi đây là nhiệm vụ của riêng cơ quan BHXH.
Hỗ trợ thêm mức đóng
Để tăng số người tham gia BHXH tự nguyện, theo quy định tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP, Nhà nước hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện bằng 30% đối với người thuộc hộ gia đình nghèo, 25% đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.
“Tuy nhiên, đây là mức hỗ trợ rất thấp; đối tượng thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo dù được hỗ trợ cao hơn cũng rất khó có thể tham gia được. Vì vậy, BHXH Việt Nam kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là đối tượng không thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, cần có sự linh hoạt hơn về mức hỗ trợ, như mức hỗ trợ tối thiểu bằng 30%, 25%, 10% để địa phương nào có điều kiện, kinh tế phát triển thì có cơ chế để hỗ trợ thêm một phần mức đóng BHXH tự nguyện. Thực tế thực hiện hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế thời gian qua cho thấy, đối với hộ cận nghèo được ngân sách hỗ trợ 70%, người dân hoặc địa phương đóng 30% còn lại nhưng thực tế rất nhiều tỉnh không có nguồn và người dân cũng không đóng”, ông Mai Quốc Thắng cho biết.
Để nâng số người tham gia BHXH tự nguyện, các tỉnh, thành cần giao chỉ tiêu phát triển đối tượng trong chỉ tiêu phát triển kinh thế, xã hội của địa phương. Trước mắt, các tỉnh, thành tập trung triển khai, yêu cầu và hỗ trợ thêm mức đóng để cán bộ không chuyên trách ở thôn, bản, tổ dân phố tham gia BHXH tự nguyện; yêu cầu các doanh nghiệp đóng trên địa bàn đôn đốc, hướng dẫn người lao động làm việc theo hợp đồng lao động dưới 3 tháng (đến ngày 31/12/2017) và lao động theo hợp đồng lao động dưới 1 tháng (từ ngày 1/1/2018) tham gia BHXH tự nguyện.
Về phía BHXH cũng sẽ mở rộng hệ thống mạng lưới đại lý thu BHXH tự nguyện, phấn đấu mỗi thôn, bản, tổ dân phố đều có nhân viên đại lý thu, hoặc điểm thu BHXH tự nguyện. Đồng thời, BHXH cùng các tổ chức đoàn thể phối hợp tuyên truyền, tư vấn đến người dân; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và đa dạng các hình thức, phương thức nhận hồ sơ, trả kết quả, thu tiền đóng, chuyển tiền đóng vào quỹ đối với người tham gia BHXH tự nguyện.
Xuân Cường (Báo Tin Tức)