Khái niệm “dân chủ” xuất hiện đầu tiên trong xã hội tư sản. Nhưng nền dân chủ trong xã hội đó chỉ dành riêng cho giai cấp tư sản chứ không phải cho mọi tầng lớp nhân dân, nhất là cho những người nghèo khổ và lao động làm thuê. Thỉnh thoảng, người ta vẫn nhắc đến câu nói nổi tiếng trong bài diễn văn năm 1863 của Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln: “Một chính phủ của dân, do dân cai trị, do dân thụ hưởng, sẽ vĩnh viễn không bao giờ biến mất trên mặt địa cầu này”. Trước đó một năm, vị Tổng thống này còn công bố bản “Tuyên ngôn giải phóng nô lệ da đen” cũng rất nổi tiếng. Tiếc thay, thực tế cho thấy các nhà lãnh đạo, các nhà lập hiến trong xã hội tư sản thường đưa ra những ý tưởng hay nhưng chỉ là không tưởng, họ nói và hứa những điều tốt đẹp nhưng không làm.
Với chúng ta, khái niệm “dân chủ” khác hẳn. Dân chủ là thành quả vĩ đại, cực kỳ quý giá mà Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mang lại cho Nhân dân Việt Nam sau hàng ngàn năm sống dưới chế độ phong kiến và gần một trăm năm bị đế quốc thực dân thống trị. Dân chủ của chúng ta là gì, ngay từ năm 1927 trong tác phẩm Đường kách mệnh, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Chúng ta đã hi sinh làm kách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao kách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hi sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Sau khi nước ta giành được độc lập, Người khẳng định:
Nước ta là nước dân chủ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân
Chính quyền từ xã đến chính phủ Trung ương đều do dân cử ra.
Để Nhân dân thực sự được hưởng quyền dân chủ, Người khẩn trương tổ chức tổng tuyển cử trong cả nước và soạn thảo Hiến pháp do Người làm Trưởng ban. Hiến pháp năm 1946 ghi: “Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”. Điều này rất có ý nghĩa, khi chính quyền về tay nhân dân rồi thì quyền làm chủ thực sự của người dân là nội dung đích thực của độc lập, tự do. Những người đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là công bộc của dân, hoặc hiểu và nói chính xác hơn: vừa là người lãnh đạo vừa là người đầy tớ trung thành của Nhân dân. Nhưng từ các quy định của Hiến pháp và các thiết chế của Nhà nước để thực thi quyền làm chủ của Nhân dân đến thực tiễn đời sống luôn có những khoảng cách. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nghiêm khắc phê phán một bộ phận cán bộ, đảng viên: “Cậy thế mình ở trong ban này nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải là để cậy thế với dân”.
Đó là những người bị Nhân dân mỉa mai gọi là “quan cách mạng”, “cường hào mới”… Hiện nay, hiện tượng “hành dân”, coi thường và ức hiếp dân vẫn tồn tại ở nơi này, nơi khác. Quy chế dân chủ ở cơ sở được ban hành khá lâu nhưng không phát huy được tác dụng tích cực, do bệnh dân chủ hình thức, dân chủ nửa vời cản trở. Tác hại có nhiều, chỉ nêu lên một trường hợp điển hình: Cán bộ tham nhũng, cố tình làm sai pháp luật do vụ lợi (phổ biến trong lĩnh vực đất đai), dân biết từ khi sự việc mới manh nha, nhưng không có nơi, không có người để phản ánh. Khi bị dư luận rộng rãi và báo chí phát hiện thì sự việc đã nghiêm trọng, quyền lợi chính đáng của nhiều người dân bị vi phạm kéo dài, không ít cán bộ, đảng viên sa vào vòng tù tội.
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XI một lần nữa xác định: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa là bản chất của chế độ ta, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của Nhân dân; cán bộ, công chức phải hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Có cơ chế cụ thể để Nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp và quyền làm chủ thông qua các cơ quan đại diện của mình. Phát huy dân chủ phải đi liền với tăng cường pháp chế; đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương xã hội; phê phán và nghiêm trị những hành vi vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân, những hành vị lợi dụng dân chủ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội”. Mọi cấp ủy đảng, mọi cấp chính quyền và cán bộ, đảng viên cần quán triệt sâu sắc điều này, từ đó có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động. Hãy ghi lòng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời: “Nước ta phải đi đến dân chủ thực sự…”. “Chúng ta phải ra sức thực hiện những cải cách xã hội, để nâng cao đời sống của Nhân dân, thực hiện dân chủ thực sự”.
Để góp phần tích cực đưa Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vào cuộc sống, cần kiên quyết khắc phục các khuyết điểm, thiếu sót, hạn chế quyền dân chủ của nhân dân, đồng thời tích cực phát huy các ưu điểm mà nhiều nơi đã làm được như lắng nghe dân, đối thoại trực tiếp với dân, bàn bạc những vấn đề quan trọng với dân, chịu sự kiểm tra, giám sát của dân… Dân chủ càng được phát huy, càng tạo được sự đồng thuận cao của Nhân dân, và sự đồng thuận đó là một trong những nhân tố cơ bản làm nên nội lực của dân tộc, là sức mạnh tổng hợp để chúng ta vượt qua những khó khăn và thử thách, đưa đất nước phát triển. Mọi người chúng ta đều có trách nhiệm vun đắp, phát huy để nền dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn chặt với đời sống xã hội của chế độ ta.
Trích đăng từ cuốn “Góp phần ngăn chặn các hiện tượng suy thoái và đấu tranh chống các quan điểm sai trái” của Ban Tuyên giáo Thành ủy năm 2016.