Có hơn 18 cơ quan trong cơ thể có thể được sử dụng để cấy ghép, cứu người như tim, gan, thân, phổi, mô… Và, một người chết não có thể cứu sống hàng chục người khác.
Hiện trên thế giới có hơn 119.000 người trong danh sách chờ được cấy ghép tạng để tiếp thêm sự sống. Hiến tạng là một trong những món quà quý giá nhất bạn có thể trao tặng cho ai đó. Đối với hàng ngàn người, sự sống hay cái chết đang phụ thuộc vào sự tử tế, lòng nhân ái của người lạ. Các bộ phận có thể được cấy ghép là tim, thận, gan, phổi, tuyến tụy và tuyến ức. Mô cấy ghép được bao gồm xương, gân, giác mạc, da, van tim, dây thần kinh và mạch máu. Trên thế giới, thận là cơ quan thường được cấy ghép nhất, tiếp theo là gan, sau đến tim. Giác mạc và cơ xương là mô được cấy ghép phổ biến nhất. Số ca cấy ghép các mô này cao hơn số ca cấy ghép nội tạng khác hơn 10 lần.
Người hiến tặng nội tạng có thể đang sống, chết não. Hầu hết mọi người đều có thể hiến tặng nội tạng và mô – không có giới hạn về tuổi tác trong việc hiến tặng. Mô được lấy từ những người hiến tạng bị chết, hay chết não tối đa 24 giờ sau khi tim ngừng đập. Không giống như những cơ quan khác, hầu hết các mô (trừ giác mạc) có thể được bảo quản và lưu giữ tối đa là 5 năm.
Tay và mặt
Vào năm 2004, người hiến tạng đã chết đã có thể hiến tặng tay và khuôn mặt của họ. Từ năm 2005, trên thế giới có khoảng hơn 20 bệnh nhân được ghép toàn bộ hoặc một phần khuôn mặt và 85 người được ghép tay/cánh tay (theo báo cáo của Johns Hopkins Medicine). Đối với các ca cấy ghép mặt, những xét nghiệm mô và máu được thực hiện để đảm bảo sự phù hợp giữa người hiến tặng và người nhận. Ngoài ra, các bác sĩ còn chú trọng sự phù hợp về màu da, sắc da, giới tính, dân tộc/chủng tộc và kích cỡ khuôn mặt. Ca cấy ghép mặt đầu tiên được thực hiện tại Pháp năm 2005, gần đây nhất, một cựu lính cứu hỏa có tên Patrick Hardison (Mỹ) được công nhận là bệnh nhân được ghép mặt toàn diện nhất trên thế giới sau khi trải qua 26 giờ phẫu thuật.
Tháng 7/2015, với sự giúp đỡ của 40 chuyên gia, bé Zion Harvey 8 tuổi (Mỹ) trở thành bệnh nhi đầu tiên được cấy ghép cả hai tay. Ca ghép tay thành công đầu tiên trên thế giới được thực hiện tại Pháp năm 1998.
Bộ phận cơ thể
Người hiến tạng đã chết có thể hiến tặng cả thận, gan, phổi, tim và tụy. Những người hiến tặng sống có thể hiến tặng: một thận, phổi hoặc một phần của gan, tuyến tụy hoặc ruột. Thận là cơ quan thường được cấy ghép nhất. Ca cấy ghép thận đầu tiên trên thế giới được thực hiện thành công năm 1954, tại thành phố Boston (Mỹ), bác sĩ phẫu thuật Joseph Murray đã cứu sống một bệnh nhân tên là Ronal Richard bị suy thận rất trầm trọng. Bệnh nhân được chính người anh trai của mình hiến tặng một quả thận. Ngoài ra, ruột là một trong những loại cấy ghép nội tạng hiếm gặp nhất, hầu như chỉ áp dụng cho bệnh nhân phải cắt bỏ ít nhất một nửa phần ruột do mắc phải căn bệnh nào đó như Crohn. Ruột được ghép lấy từ bệnh nhân đã qua đời, song cũng có thể do người còn sống hiến tặng. Đức là nước đầu tiên ghép ruột thành công vào năm 1988.
Mắt
Một người hiến giác mạc – 4 người thoát mù. Hai mắt của người hiến được hiến tặng giúp người bị tổn thương mắt do bệnh tật, thương tật hoặc dị tật bẩm sinh. Giác mạc là lớp ngoài cùng của mắt giúp tập trung tầm nhìn. Ngoài giác mạc, người hiến tặng cũng có thể tặng màng cứng, là lớp ngoài của nhãn cầu.
Mô
Một người hiến các bộ phận cơ thể có thể cứu sống được 8 người, nhưng khi hiến tặng mô thì số người được cứu là 50 người. Có thể hiến tặng: van tim, da, xương, tĩnh mạch, sụn, dây chằng.
Tế bào gốc máu, dây chằng, tủy xương
Những người trưởng thành sống khỏe mạnh từ 18 đến 60 tuổi có thể hiến tặng tủy xương, tế bào gốc máu dây rốn và các tế vào gốc máu ngoại vi. Không giống với sự hiến tặng giác mạc, tức là người hiến tặng và người được tặng giác mạc không cần phải “khớp” nhau, người hiến tế bào gốc phải có một sự phù hợp với loại mô hoặc kháng nguyên bạch cầu (HLA) của người được hiến tặng.
Máu và tiểu cầu
Việc hiến máu và tiểu cầu là một trong những cách dễ dàng nhất để người hiến tặng có thể cứu giúp mạng sống cho người khác.