Trong tháng 2-2018, nhiều chính sách, quy định mới có hiệu lực, trong đó có những chính sách đáng chú ý sau:
Các khoản chi không được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp
Từ ngày 01/02/2018, Nghị định 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 100/2016/NĐ-CP và Nghị định 12/2015/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành.
Theo đó quy định: phần chi vượt mức 3 triệu đồng/tháng/người (quy định cũ là 1 triệu đồng) để trích nộp quỹ hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ cho người lao động; phần vượt mức quy định về BHXH, BHYT trích nộp cho các quỹ cho tính chất an sinh xã hội, quỹ BHYT và quỹ BHTN cho người lao động sẽ không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
Ngoài ra, cơ sở kinh doanh có hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế GTGT theo tháng, quý.
Từ ngày 12/2/2018 bán xe không phải thông báo với cơ quan công an
Từ ngày 12/2/2018, thông tư 64/2017 của Bộ Công an về việc sửa đổi, bổ sung thông tư 15/2014 quy định về đăng ký xe có hiệu lực. Theo đó sẽ bỏ quy định người bán, tặng xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe để theo dõi.
Cụ thể, Thông tư 64/2017 đã bỏ quy định: trước khi bán, cho, tặng xe, chủ xe phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đã cấp giấy chứng nhận đăng ký xe đó.
Thay vào đó là quy định: xe đăng ký biển số nền màu xanh, chữ và số màu trắng; xe biển số ký hiệu 80 nền màu trắng, chữ và số màu đen, nay có quyết định điều chuyển, bán, tặng, cho thì trước khi bàn giao xe cho người mua hoặc người được điều chuyển, tặng, cho, chủ xe phải thu hồi, nộp lại đăng ký, biển số cho cơ quan đăng ký xe.
Các cơ quan, tổ chức có ôtô đã đăng ký tại Cục CSGT, nay không thuộc đối tượng nêu trên có trách nhiệm đến Cục CSGT làm thủ tục di chuyển xe về đăng ký tại Phòng CSGT công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở.
Cấp phép đi làm việc ở nước ngoài qua mạng
Thông tư 35/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – thương binh và xXã hội quy định việc quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, có hiệu lực từ ngày 12-2 quy định: doanh nghiệp được thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trên website csdl.dolab.gov.vn.
Trước tiên, doanh nghiệp đăng nhập vào website trên bằng tài khoản đã được cấp, truy cập vào mục “Cấp mới giấy phép” để cập nhật đầy đủ thông tin vào tờ khai; upload hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
Trong 5 ngày làm việc, từ ngày nhận được tờ khai và hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, cơ quan cấp giấy phép trả lời trên website về việc hồ sơ của doanh nghiệp là phù hợp hoặc chưa phù hợp, trường hợp chưa phù hợp sẽ nêu rõ lý do và yêu cầu doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung giấy tờ.
Kết quả cấp giấy phép được hiển thị trên website csdl.dolab.gov.vn và Cổng thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước.
Chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước
Thông tư 41/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và truyền thông quy định sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước có hiệu lực từ ngày 05/02/2018 quy định: việc ký số được thực hiện thông qua phần mềm ký số và được thông báo thành công hoặc không thành công khi ký trên văn bản điện tử.
Trường hợp quy định người có thẩm quyền ký số trên văn bản điện tử, thông qua phần mềm ký số thì người có thẩm quyền sử dụng khóa bí mật cá nhân để thực hiện việc ký số vào văn bản điện tử.
Trường hợp cơ quan, tổ chức ký số trên văn bản điện tử, thông qua phần mềm ký số thì văn thư được giao sử dụng khóa bí mật con dấu của cơ quan, tổ chức để thực hiện việc ký số vào văn bản điện tử.
Thông tư 41 được áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp, các đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và tổ chức, cá nhân liên quan sử dụng chữ ký số cho văn bản điện tử của cơ quan nhà nước. Bộ Thông tin và truyền thông cũng khuyến khích các cơ quan, tổ chức khác áp dụng.
Trường hợp cần thiết trưng cầu giám định trong vụ án tham nhũng, kinh tế
Có hiệu lực từ ngày 01/02/2018, Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP quy định những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định tư pháp trong giải quyết vụ án, vụ việc về tham nhũng, kinh tế.
Theo đó, ngoài những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định theo quy định tại điều 206 của Bộ Luật tố tụng hình sự thì những trường hợp cần thiết phải trưng cầu giám định theo thông tư liên tịch này chỉ được thực hiện khi chưa có đủ chứng cứ để chứng minh hành vi phạm tội, tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.
Những trường hợp cụ thể cần thiết trưng cầu giám định gồm: Khi cần xác định chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ của tài sản, hàng hóa, hàng giả, hàng thật, hàng cấm; Truy nguyên về tài liệu, đồ vật, chữ ký, chữ viết, con dấu, dấu vết, dữ liệu điện tử; Khi cần xác định tính chính xác của các dụng cụ cân, đo, đong, đếm và các máy móc, thiết bị khác.
Ngoài ra, cũng có thể trưng cầu giám định khi: Cần xác định hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư; Gặp khó khăn khi xác định mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trong lĩnh vực đầu tư gây ra; Xác định hành vi vi phạm về thuế, tài chính, kế toán, bảo hiểm, ngân hang, chứng khoán, đất đai, tài nguyên, nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi và các lĩnh vực khác xét thấy cần thiết phải thực hiện giám định.
Ban biên tập