Tóm tắt: Theo Hồ Chí Minh, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng được xem là công việc thường xuyên, thiết thực làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh và liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Tuy nhiên, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân ở một bộ phận cán bộ, đảng viên thì ở nơi này, nơi khác, ở mức độ này, hay mức độ khác vẫn còn tồn tại, thậm chí có chiều hướng phát triển. Do vậy, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm giáo dục tinh thần đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người đã sớm cảnh báo về tính chất nguy hiểm của chủ nghĩa cá nhân đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và với mỗi cán bộ, đảng viên. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện chủ nghĩa cá nhân và coi chủ nghĩa cá nhân như “một thứ vi trùng rất độc”, nó sinh ra các khuyết điểm nghiêm trọng như bệnh tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, ham địa vị, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, bệnh “hữu danh vô thực”, kéo bè kéo cánh. Trong bài “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người chỉ rõ: “Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh”. Sự phê phán đó của Người cho tới ngày nay vẫn giữ nguyên giá trị, mang tính thời sự cao và có ý nghĩa giáo dục đạo đức, lối sống sâu sắc cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân ta, đặc biệt trong thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: Chủ nghĩa cá nhân nó nằm ngay trong lòng mỗi con người “ai cũng có một ít”, là kẻ thù bên trong, là giặc “nội xâm”; là kẻ thù “vô hình” nhưng lại biểu hiện trong tư tưởng, hành động của mỗi người. Có lúc Người cho đó là “địch nhân” ở trong lòng mà mỗi người phải chiến thắng “nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển”. Cho nên, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân là cuộc đấu tranh nội tại giữa cái “thiện” và cái “ác”; giữa cái “đúng” và cái “sai”; giữa cái “tiến bộ” và cái “thoái bộ”. Người viết: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”, “làm cho cái phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác”. Nên khi cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, đồng nghĩa với việc họ làm biến chất, suy thoái Đảng. Do đó, thực hiện những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, chính là giữ vững bản chất, sinh mệnh chính trị của một Đảng cách mạng chân chính. Rèn luyện, bồi dưỡng đạo đức cách mạng song hành với cuộc đấu tranh phòng, chống, tiến tới loại bỏ chủ nghĩa cá nhân bên trong mỗi người cán bộ, đảng viên. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt, phức tạp, gian khổ, lâu dài bằng nhiều hình thức phong phú gắn với những điều kiện về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Hồ Chí Minh đã ví một cách hình ảnh “Tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng tốt lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”. Vì vậy chủ nghĩa cá nhân dù tồn tại dưới hình thức nào cũng đều phải quét sạch nhằm nâng cáo uy tín, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng có ý nghĩa vô cùng to lớn trong công cuộc đổi mới đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Hiện nay, nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, bên cạnh những thuận lợi, đang chịu sự chi phối từ những mặt trái của cơ chế thị trường, những tiêu cực nảy sinh trong quá trình hội nhập, toàn cầu hóa là điều kiện, là “mảnh đất màu mỡ” cho chủ nghĩa cá nhân nảy nở, phát triển với những biểu hiện phức tạp, tinh vi. Trên thực tế, đa số cán bộ, đảng viên của Đảng, Nhà nước luôn luôn có phẩm chất chính trị tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức lối sống cách mạng trong sáng, lành mạnh, nhưng vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Chính vì vậy, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân hiện nay có vị trí đặc biệt quan trọng trong xây dựng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân đáp ứng với yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.
Để đấu tranh phòng, chống chủ nghĩa cá nhân hiện nay mang lại hiệu quả cao phải xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng trong giai đoạn mới, phải nghiên cứu những quan điểm, tư tưởng cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chủ nghĩa cá nhân, đi từ thực trạng đội ngũ cán bộ, đảng viên và phải coi đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị. Theo chúng tôi cần phải thực hiện tốt một số biện pháp sau:
Một là, kiên trì và đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên trong phòng, chống chủ nghĩa cá nhân. Bởi trong bất kỳ giai đoạn nào, không được xem nhẹ công tác giáo dục trong Đảng về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt là giáo dục về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên, củng cố lập trường giai cấp công nhân. Nguyên nhân sâu xa của chủ nghĩa cá nhân là do quan điểm, lập trường giai cấp công nhân bị mờ nhạt. Vấn đề đạo đức, lối sống phải được xem xét trên lập trường của giai cấp công nhân. Trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cần phân tích, làm rõ tác hại của chủ nghĩa cá nhân đối với công việc, với dân, với nước. Nhằm xây dựng Đảng thực sự là Đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin trong Đảng và Nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã xác định.
Hai là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, chủ trì, đứng đầu các cơ quan Đảng, Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh gắn liền với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, luôn nêu cao tinh thần tiền phong, gương mẫu trong mọi lúc, mọi nơi để lôi cuốn được quần chúng học tập, noi theo nhằm bảo đảm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có khả năng đề kháng tốt với chủ nghĩa cá nhân. Khi mà nội bộ Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh thì không còn chỗ cho chủ nghĩa cá nhân phát bệnh.
Ba là, củng cố chăm lo xây dựng các tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh, đẩy mạnh cuộc đấu tranh ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp nhằm kiên quyết loại bỏ những con “sâu mọt” ra khỏi bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước, làm trong sạch các tổ chức đảng, bộ máy chính quyền, tạo ra môi trường lành mạnh không để cho những cán bộ, đảng viên mắc bệnh chủ nghĩa cá nhân có điều kiện phát tác.
Bốn là, Đảng phải quan tâm, chăm lo lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của Nhân dân, của đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, tăng cường niêm tin của đội ngũ cán bộ, đảng viên vào sự thắng lợi của sự nghiệp cách mạng theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Bởi đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện sẽ góp phần cổ vũ, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên yên tâm phấn khởi, gắn bó với tập thể, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất, đạo đức cách mạng chiến đấu đến cùng vì mục tiêu lý tưởng của Đảng, qua đó phòng, chống chủ nghĩa cá nhân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên được ngăn chặn ngay từ mầm mống.
Năm là, phát huy, mở rộng dân chủ trong Đảng, trong toàn xã hội để đoàn kết, động viên và phát huy hết tiềm năng trí tuệ, sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất của các tầng lớp Nhân dân vì sự nghiệp cách mạng. Muốn vậy, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy hơn nữa quyền làm chủ, bảo đảm lợi ích của Nhân dân, vai trò giám sát của Nhân dân với hoạt động của các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước, cán bộ, đảng viên.
Đồng thời, coi trọng xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức. Xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát có hiệu quả; phương pháp kiểm tra phải đồng bộ từ trên xuống và từ dưới lên nhằm mục đích phát hiện những sai lầm trong tư tưởng và hành động để kịp thời sửa chữa. Hồ Chí Minh nói: “Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”. Có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp mắc chủ nghĩa cá nhân luôn chỉ lo chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương… Thực hiện tốt công tác sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý của mỗi tổ chức, cá nhân.
Đấu tranh phòng, chống và quét sạch chủ nghĩa cá nhân có hiệu quả trong toàn Đảng nói chung và đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng hiện nay là một tất yếu, nó diễn ra hết sức gay go, phức tạp, quyết liệt, đòi hỏi cán bộ, đảng viên trong Đảng phải thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân; nắm chắc tình hình và biểu hiện đa dạng của chủ nghĩa cá nhân và thực hiện chế độ đồng bộ các biện pháp đấu tranh, khắc phục ảnh hưởng của chủ nghĩa cá nhân gắn với thực hiện thắng lợi mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ hiện nay.
Trích đăng từ Tạp chí Giáo dục lý luận số 263, phát hành tháng 7 năm 2017.