Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay quy định đối tượng tham gia BHYT gồm 05 nhóm đối tượng, trong đó quy định về nhóm đối tượng hộ gia đình tham gia BHYT được xem là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu BHYT toàn dân mà Đảng và Nhà nước xác định
Ý nghĩa, lợi ích của việc tham gia BHYT theo hộ gia đình :
1.Về đối tượng tham gia
Luật bảo hiểm y tế quy định hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm toàn bộ người có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (trừ các thành viên đã tham gia theo các nhóm đối tượng BHYT và người đã khai báo tạm vắng với chính quyền địa phương).
- Về thủ tục tham gia
Để tham gia BHYT hộ gia đình, hộ gia đình có trách nhiệm kê khai chính xác toàn bộ thành viên trong hộ gia đình vào Danh sách hộ gia đình tham gia BHYT (mẫu DK01) theo hướng dẫn của đại lý thu (UBND xã, phường, thị trấn, …).
- Phương thức đóng
Người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình 1 năm đóng BHYT một lần thông qua đại lý thu (UBND xã, phường,).
- Mức đóng
Bằng 4,5% mức lương cơ sở tại thời điểm đăng ký tham gia, tham gia theo hộ gia đình thì được giảm trừ mức đóng. Cụ thể như sau:
Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
- Về thời hạn sử dụng của thẻ bảo hiểm y tế
Người tham gia lần đầu, hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên (tính theo năm tài chính) thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng sau 30 ngày, kể từ ngày đóng tiền mua bảo hiểm y tế. Người tham gia liên tục kể từ lần thứ hai trở đi thì thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng nối tiếp với ngày hết hạn sử dụng của thẻ lần trước.
Để thẻ bảo hiểm y tế có giá trị sử dụng liên tục và không bị gián đoạn, trước khi thẻ bảo hiểm y tế hết hạn sử dụng 10 ngày, hộ gia đình phải đóng tiền cho đại lý thu.
- Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
- Người tham gia BHYT được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ BHYT; được lựa chọn một cơ sở y tế thuận lợi gần nơi công tác hoặc nơi cư trú theo hướng dẫn của cơ quan Bảo hiểm xã hội để đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, được đổi nơi đăng ký ban đầu vào đầu mỗi quý; được cơ quan bảo hiểm xã hội giải thích cung cấp thông tin về BHYT; được khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về BHYT.
- Khi khám bệnh, chữa bệnh đúng nơi đăng ký ban đầu ghi trên thẻ hoặc theo tuyến chuyên môn kỹ thuật hoặc khám chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện trong phạm vi cả nước được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán theo mức:
– 100% chi phí khi khám chữa bệnh tại tuyến xã.
– 100% chi phí khám chữa bệnh khi tổng chi phí của một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương tối thiểu ở mọi tuyến điều trị.
– 100% chi phí khám chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở.
– 80% chi phí khi khám chữa bệnh trong các trường hợp còn lại.
- Trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến được quỹ BHYT thanh toán theo mức sau: khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh mức thanh toán là 60% chi phí điều trị, tại bệnh viện trung ương mức thanh toán là 40% chi phí điều trị.
- Trường hợp cấp cứu người tham gia BHYTđược khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào đồng thời phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế và giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT.
- Trường hợp khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT được thanh toán tối đa không vượt quá mức sau.
– Ngoại trú: tại cơ sở y tế tuyến huyện và tương đương là 60.000 đồng.
– Nội trú: tuyến huyện và tương đương: 500.000 đồng; tuyến tỉnh và tương đương: 1.200.000 đồng; tuyến trung ương và tương đương: 3.600.000 đồng.
Từ năm 2017, giá dịch vụ y tế đã tính đầy đủ các yếu tố cấu thành (bao gồm cả lương của cán bộ y tế), do vậy nếu không có thẻ BHYT thì người bệnh phải thanh toán viện phí với số tiền rất lớn, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.
Tham gia BHYT được xem là một chiếc phao cứu hộ, là một hình thức tiết kiệm “đóng góp khi lành để dành khi ốm” nhằm giảm bớt gánh nặng về kinh tế khi không may bị ốm đau, bệnh tật; đồng thời chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng xã hội, cũng là thể hiện đạo lý truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam ta. Tham gia bảo hiểm y tế vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi. Vì lợi ích của bản thân, gia đình và cộng đồng, mọi người hãy tích cực tham gia bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Người dân chưa tham gia bảo hiểm y tế liên hệ với đại lý thu bảo hiểm y tế các xã, phường, thị trấn hoặc đại lý thu bảo hiểm y tế của hệ thống Bưu điện để được hướng dẫn, lập thủ tục đăng ký, nộp tiền và nhận thẻ bảo hiểm y tế . Hoặc liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội huyện, thành phố để được tư vấn, hướng dẫn.
Ban biên tập.