Nhân kỷ niệm ngày 88 năm Ngày Truyền thống Công tác dân vận của Đảng (15/10/1930- 15/10/2018), cán bộ, đảng viên và Nhân dân phường 6 quận Tân Bình cùng nhau ôn lại bài báo “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cách đây 69 năm, với bút danh X.Y.Z, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự Thật, số ra ngày 15/10/1949.
Chỉ với 612 chữ nhưng bài báo đã đề cập giải đáp những vấn đề rất căn bản, cấp thiết của công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền và đoàn thể nhân dân. Bài báo “Dân vận” của Bác Hồ là một tác phẩm kinh điển, mẫu mực, là cẩm nang của cán bộ, đảng viên trong công tác vận động quần chúng hiện nay và mai sau.
Với những câu chữ gần gũi, người đọc dù ở trình độ nào cũng có thể hiểu. Bác đã dùng cách đặt câu hỏi và trả lời ngắn gọn, giản dị, dễ hiểu để làm rõ một số vấn đề cơ bản của công tác dân vận.
Mở đầu bài báo, Bác viết: “Vấn đề dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng cho nên cần phải nhắc lại”. Tiếp đó Người đề cập, lý giải 4 vấn đề cơ bản, quan trọng và rất thiết thực trong công tác dân vận:
Thứ nhất, tiền đề, cơ sở của công tác dân vận: Nước ta là nước dân chủ. Đây là cơ sở, tiền đề có tính chất quyết định trong công tác dân vận. Những yếu tố của một nước dân chủ thật sự là: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”; “Bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”, “Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân”; “Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra”; “Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên”; “Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Sau Tháng Tám năm 1945 khi nước ta giành độc lập tự do, dân ta thoát khỏi ách nô lệ thì mới có đầy đủ cơ sở, tiền đề dân vận.
Thứ hai, dân vận là gì? “Dân vận là động viên tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”. Sau định nghĩa ngắn gọn, dễ hiểu về dân vận, Bác chỉ ra 4 bước quan trọng, nhất thiết phải làm trong công tác dân vận. Đó là:
- Phải “tìm mọi cách làm cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: việc đó có lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.
- Làm “bất cứ việc gì cũng đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”.
- Phải “theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân”.
- “Khi làm xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.
Thứ ba, Ai phụ trách dân vận?. “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt Việt Minh, v.v…) đều phải phụ trách Dân vận”. Sau khi lấy ví dụ về cách thức dân vận trong một phong trào thi đua, Bác lưu ý “Những hội viên các đoàn thể thì phải xung phong thi đua làm để làm kiểu mẫu cho dân, giúp dân làm”.
Thứ tư, Dân vận phải thế nào?. Bác Hồ chỉ rất rõ những người làm công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”. Sau đó, Bác chỉ ra “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc Dân vận. Cử ra một ban hoặc một vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm Dân vận. Đó là sai lầm rất to, rất có hại”. Cuối cùng, Bác kết thúc bài báo bằng một câu mang tính chân lý: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
69 năm trôi qua, ôn lại bài báo “Dân vận”, từng câu từng chữ vẫn thấm nhuần trong tư tưởng mỗi cán bộ, đảng viên và những người làm công tác dân vận trên địa bàn phường 6, quận Tân Bình. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, vận dụng tư tưởng dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác dân vận trên địa bàn phường đã có những chuyển biến tích cực: Động viên cán bộ, công chức nâng cao ý thức trách nhiệm, thái độ, phong cách tiếp xúc, giải quyết công việc đối với dân theo chủ đề “Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”; Nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ làm công tác dân vận chính quyền với phương châm “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; Công khai các thủ tục hành chính, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện một số thủ tục đăng ký và trả kết quả hành chính tại nhà, giảm thiểu phiền hà cho Nhân dân; Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tuyên truyền sâu rộng đến người dân, công khai dân chủ trong quy hoạch, thực hiện các công trình, dự án, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân; Chăm lo lợi ích vật chất, tinh thần cho Nhân dân, đặc biệt là tích cực vận động Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh .v.v. qua đó thiết thực góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao. Nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua đã đi vào cuộc sống, nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Công tác dân vận chính quyền có chuyển biến theo hướng gần dân, sát dân và có trách nhiệm với dân hơn. Công tác tôn giáo ổn định, chức sắc các tôn giáo đã hướng dẫn, giúp bà con giáo dân tìm hiểu và thực hiện chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước, qua đó giúp bà con yên tâm phấn khởi, cùng nhau xây dựng cuộc sống “tốt đạo đẹp đời”.
Tuy vẫn còn một số những hạn chế, tồn tại, nhưng toàn bộ hệ thống chính trị của phường 6 đã nhận thức đúng đắn về công tác dân vận, nên sẽ cùng nhau tiếp tục phấn đấu, nỗ lực hơn nữa, tìm tòi những cách làm hay, mô hình mới trong công tác dân vận, thường xuyên đổi mới phương pháp vận động để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra trong cuộc sống, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế, xã hội năm 2018, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
(Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam)