Mới đây, các đảng viên Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Mạc Văn Trang tuyên bố “bỏ Đảng”, hay trước đó, đảng viên Tương Lai cũng làm tương tự được một số “nhà dân chủ” cổ súy, ca ngợi; thậm chí họ còn nêu lên viễn cảnh là sẽ có cái gọi là “một trào lưu ra Đảng”, thực chất không gây ra được hiệu ứng gì và cũng chẳng có ai hưởng ứng. Dù trước giờ, lác đác có một số đảng viên cao tuổi đảng cũng tuyên bố từ bỏ Đảng; có thể kể đến như: Lê Hiếu Đằng, sinh năm 1944, vào Đảng năm 1968 trong kháng chiến chống Mỹ, tuyên bố ra Đảng ngày 4-12-2013; Nguyễn Đình Cống, giáo sư, tiến sĩ, sinh năm 1937, vào Đảng năm 1985, tại đảng bộ Đại học Xây dựng, tuyên bố bỏ Đảng ngày 3-2-2016; Tương Lai, phó giáo sư, vào Đảng năm 1959, tuyên bố ra Đảng ngày 2-9-2017… Hay ngay trong ngày 26-10-2018, như một số kẻ tự nhận, để “hưởng ứng việc ra Đảng của Nguyên Ngọc và Mạc Văn Trang”, có vài người cũng tự tuyên bố bỏ Đảng, như “tiến sĩ” Trần Thanh Tuấn (được cho là công tác tại Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM), “trung tá” Trần Nam (được cho là “quân nhân chuyên nghiệp”, “kỹ sư” Hoàng Tiến Cường, một “đảng viên trẻ” Nguyễn Việt Anh; nhưng tìm hiểu kỹ, đây là những người đã bị kỷ luật, đã làm đơn xin ra khỏi Đảng (nhưng chưa được chấp thuận) hoặc có người đã từ lâu không sinh hoạt đảng…
Kỳ thực, với những đảng viên đã không còn tha thiết với Đảng, đã suy thoái, biến chất, thì việc ra khỏi Đảng chẳng qua là để khỏi bị khai trừ, là góp phần làm cho Đảng trong sạch hơn.
Điều lệ Đảng có quy định: “Đảng viên xin ra khỏi Đảng do chi bộ xem xét, đề nghị cấp có thẩm quyền chuẩn y kết nạp quyết định”. Đối chiếu với các điều khoản khác, điều này hoàn toàn hợp lý; chẳng hạn với khoản 1 Điều 1 thì công dân Việt Nam “thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng”, tức là việc vào Đảng là hoàn toàn tự nguyện, không có ai cưỡng ép, ra lệnh. Hay so với khoản 1 Điều 4 về thủ tục kết nạp thì phải “có đơn tự nguyện xin vào Đảng”, tức là sự tự nguyện đó thể hiện bằng văn bản, khẳng định cá nhân muốn vào Đảng, hàm ý phục tùng các quy định của Đảng chứ không phải là “ghi danh”, “đề nghị”… Điều đó cho thấy tính nghiêm túc, chặt chẽ của một đảng chính trị, lại là đảng cầm quyền, không phải là một câu lạc bộ hay một hình thức tương tự.
Như vậy, việc xin vào Đảng là một quyền của mọi công dân với những điều kiện cụ thể thì việc xin ra khỏi Đảng cũng là quyền của mọi đảng viên. Khi một đảng viên cảm thấy không còn tha thiết với lý tưởng, mục tiêu của Đảng hoặc bản thân tự thấy không còn đáp ứng được các yêu cầu của Đảng thì việc xin ra khỏi Đảng cũng là thể hiện sự tự trọng của đảng viên đó, cũng là sự tôn trọng Đảng. Hoặc, đảng viên có một số khuyết điểm (nhưng chưa đến mức kỷ luật), tự cảm thấy mình không còn xứng đáng là đảng viên, cũng có thể tự nguyện xin ra khỏi Đảng.
Với một số đảng viên tuyên bố “bỏ Đảng”, “công khai ra khỏi Đảng”…, điểm chung của họ là công bố việc ra khỏi Đảng trên các trang mạng, tự xem mình không còn là đảng viên trước khi được cấp ủy có thẩm quyền quyết định. Không chỉ vậy, họ còn có một điểm chung lớn khác nữa là vi phạm vào những quy định những điều đảng viên không được làm gần như liên tục và có hệ thống. Trong đó, một số người đã có những tuyên bố, bài viết (trên báo và các trang mạng), bài trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài… thể hiện quan điểm ngược lại với chủ trương, đường lối của Đảng, cố tình xuyên tạc tình hình của đất nước. Họ không chỉ phủ định mục tiêu, lý tưởng của mình khi đứng vào hàng ngũ của Đảng mà còn phủ định sự lãnh đạo của Đảng. Đó là một sự phản bội.
Trong tiến trình hơn 88 năm ra đời và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành được nhiều thành tựu quan trọng, không có lý gì vì những cá nhân quay ngoắt lại với quá trình vẻ vang đó mà Đảng có thể bị ảnh hưởng, bị tổn hại uy tín. Đến nay, danh xưng đảng viên vẫn như là một “danh hiệu”, một sự “chứng nhận” về nhiều mặt trong xã hội đối với mỗi cá nhân, trừ một bộ phận suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức mà Đảng đã nhìn ra và đang tìm cách loại trừ. Bên cạnh những đảng viên “chưa bị lộ” (nhất định sớm muộn gì cũng sẽ bị vạch trần) thì những người vừa bỏ Đảng kia cũng nằm trong số “một bộ phận” đó, bởi sự suy thoái về tư tưởng chính trị và phẩm chất của người đảng viên, trong đó có tính chiến đấu, tính kiên định, sự bản lĩnh…
Với hơn 4 triệu đảng viên, việc một số ít người vì bất kỳ lý do gì từ bỏ Đảng hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức mạnh của Đảng. Không chỉ vậy, đó cũng là một sự đào thải, thanh lọc có tính tự nhiên trong quá trình vận động, chỉ những đảng viên trung kiên, không bị dao động, không lệch lạc về nhận thức, tư tưởng mới xứng đáng là đảng viên của Đảng. Qua sự việc này, có thể xem là một dịp để mỗi đảng viên tự soi rọi lại mình có thực sự trung thành với lý tưởng của Đảng, có thực sự xứng đáng là đảng viên cộng sản hay không. Nói cách khác, việc một số cá nhân đảng viên từ bỏ Đảng có thể xem là một “liệu pháp sốc”, một thứ vắcxin để tạo ra các kháng thể cần thiết giúp Đảng tăng sức đề kháng, đủ khả năng chống lại các loại vi rút nguy hiểm khác.
Xét về quy định của Đảng, những đảng viên công khai ra khỏi Đảng, bỏ Đảng (chứ không phải xin ra khỏi Đảng) mà chưa có sự đồng ý của cấp ủy có thẩm quyền phải xem là một vi phạm tư cách đảng viên. Các cấp ủy hoàn toàn có thể áp dụng kỷ luật đảng để xử lý, bằng hình thức cao nhất là khai trừ khỏi Đảng. Rõ ràng, hình thức xóa tên, khai trừ là cần thiết đối với những đảng viên không còn tính đảng. (Và trên thực tế đã có đảng viên bị khai trừ sau khi tuyên bố bỏ Đảng).
Chính vì vậy, việc những đảng viên bỏ Đảng phải là dịp để mỗi đảng viên khác thấy mình có trách nhiệm hơn, tâm huyết hơn, bản lĩnh hơn!
Trích từ trang Cờ đỏ Thành phố Hồ Chí Minh