Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa mang đậm dấu ấn tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, là Ngày quốc giỗ của dân tộc Việt Nam
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”
Câu ca dao ấy đã đi sâu vào tiềm thức của biết bao thế hệ người dân đất Việt như một lời nhắn nhủ đối với các thế hệ hôm nay và mai sau không được quên đi cội nguồn dân tộc. Từ xa xưa, Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người dân đất Việt. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm tới tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng.
Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/SL-CTN ngày 18-2-1946 cho công chức nghỉ ngày 10-3 âm lịch hằng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã có 2 lần về thăm Đền Hùng. Tại đây, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan”.
Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) – năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng – Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư quy định là ngày lễ lớn trong năm. Và ngày 02/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng Mười tháng Ba âm lịch). Điều đáng tự hào hơn đối với người dân Việt Nam, đó là ngày 6/12/2012, UNESCO đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, (biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội Đền Hùng được tổ chức hằng năm, là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước; đồng thời còn là dịp quan trọng để chúng ta quảng bá ra thế giới về một di sản vô cùng giá trị, độc đáo, đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.
Huỳnh Sang (St)