Sáng 29-3, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, TP.HCM đã có mặt từ sớm tại ngã ba Ấp Bắc – Trường Chinh để kiểm tra xem chủ một cửa hàng tại đây có “tự phá dỡ bậc tam cấp lấn vỉa hè” như lời cam kết hôm 28-3 hay không.
Ngày 28-3, khi kiểm tra, chủ cửa hàng có bậc tam cấp này cam kết với ông Lê Thanh Bình: “Chúng tôi sẽ tự tháo dỡ ngay trong ngày”. Ảnh chụp hôm 28-3. Ảnh: MP
Có mặt tại trụ sở UBND quận ngay thời điểm xuất phát, ông Bình dứt khoát: “Nếu họ không thực hiện đúng cam kết trên, chúng tôi sẽ tổ chức cưỡng chế phá dỡ ngay lập tức”.
Tuy nhiên, khoảng hơn 8 giờ, khi ông Bình có mặt thì bậc tam cấp này đã không còn. Ông Lê Thanh Bình bộc bạch: “Rất mừng là họ đã thực hiện. Điều này cho thấy công tác tuyên truyền, vận động người dân đã đạt được hiệu quả”. Ảnh: MP
Ông Bình nói thêm: “Trong một thời gian dài vừa qua, lực lượng chức năng của phường, quận tập trung vận động người dân, các cơ sở, doanh nghiệp để xe gọn gàng, tự tháo dỡ các bục, bậc tam cấp. Họ chấp hành tốt nên quận chỉ hỗ trợ người dân tháo dỡ, không phải tổ chức cưỡng chế. Đặc biệt, các tiểu thương ở các chợ Bà Hoa (ở khu vực đường Trần Mai Ninh), chợ Nghĩa Phát (ở khu vực đường Nghĩa Phát), chợ Tân Trụ (ở khu vực đường Nguyễn Sỹ Sách) đã thu gọn hàng hóa, không còn cảnh bày bán tràn ra vỉa hè, lòng đường như trước”.
“Chỉ giới đường đỏ” được vạch ra ở khu vực chợ Bà Hoa và tiểu thương ở đây đã thu gọn, đưa hàng hóa vào bên trong. Ảnh: MP
Đường Trần Mai Ninh không có vỉa hè song hiện nay, tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường không còn xảy ra nên giao thông ở tuyến đường này đã thông thoáng hơn. Ảnh: MP
Tình trạng trật tự cũng đã được thiết lập tại khu vực chợ Nghĩa Phát. Ảnh: MP
Hai bên chợ Tân Trụ cũng không còn cảnh bày bán hàng hóa bít đường và người dân khu vực đã có không gian rộng rãi hơn. Ảnh: MP
Tiểu thương Nguyễn Thị Lan Chi ở chợ Nghĩa Phát nói: “Tôi đã lùi vào bên trong. Đúng là nếu chịu khó lùi vào bên trong thì mặt tiền thông thoáng hơn. Tôi hoàn toàn ủng hộ việc trả lại vỉa hè cho người đi bộ nhưng đề nghị tất cả mọi người đều phải lùi”. Ảnh: MP
Trao đổi với phóng viên, tiểu thương ở các chợ này đều nhìn nhận, việc mọi người cùng bày bán lấn chiếm là làm khó nhau. “Tôi để ngay ngắn nhưng người kế bên lấn ra thì che chắn mất, khách không biết chỗ tôi bán nên cũng phải lấn ra theo. Tôi phải nhô ra theo và hồi hộp “chơi trò cút bắt” với trật tự đô thị, công an phường… Vì vậy, tôi không lấn thì những trường hợp khác cũng không được lấn và chính quyền phải làm cho công bằng” – một tiểu thương ở chợ Tân Trụ nói.
Dù vậy, tiểu thương ở các chợ này cũng than vãn kể từ khi thu gọn, đưa hàng hóa vào bên trong thì việc buôn bán giảm sút nghiêm trọng. “Họ làm nghiêm quá, từ sáng sớm đã cho xe tải đậu ngay chợ. Bất kỳ trường hợp nào lấn ra là bị thu giữ đồ, còn khách đến mua thấy công an, trật tự đô thị rồi xe nữa nên e ngại. Điều này làm giảm sức mua ở chợ và chúng tôi phải móc tiền túi bù vào chi phí. Chúng tôi đề nghị phường, quận cho kẻ vạch giới hạn phạm vi, ai vi phạm lần đầu thì phạt. Tái phạm thì không cho buôn bán nữa nhưng cũng đề nghị cho thu bớt người, dẹp xe tải để người đi chợ không lo sợ bị giữ xe khi đến chợ mua đồ” đại diện tiểu thương chợ Tân Trụ phản ánh.
Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình đang lắng nghe kiến nghị của tiểu thương chợ Tân Trụ. Ảnh: MP
Ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình ghi nhận các phản ánh nêu trên và yêu cầu lãnh đạo các phường nơi có các chợ trên tổ chức đối thoại, ghi nhận ý kiến của các tiểu thương rồi để có đề xuất hướng giải quyết. “Quan điểm của quận là tạo điều kiện tốt nhất cho bà con buôn bán nhưng đề nghị bà con phải chấp hành. Cụ thể, khi đã kẻ vạch sơn thì bất kỳ ai không chấp hành thì quận sẽ xử lý nghiêm. Nhưng nguyên tắc vỉa hè là dành cho người đi bộ phải được đảm bảo nên nơi nào vỉa hè rộng rãi sẽ kẻ vạch sơn để xe, không phải để hàng hóa trên vỉa hè” – ông Bình nhấn mạnh.