Đấu tranh với những thủ đoạn, những luận điệu sai lệch, bóp méo sự thật, xuyên tạc của các thế lực thù địch trước thềm Đại hội XIII của Đảng.
(ĐCSVN) – Trong thời gian gần đây, trên các mạng xã hội, các thế lực thù địch đưa những luận điệu sai lệch, bóp méo sự thật, xuyên tạc rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam trên thực tế đã “từ bỏ” chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đang ngấm ngầm “theo chân” nước này để chống nước kia.
Đấu tranh với những thủ đoạn của các thế lực thù địch trước thềm Đại hội XIII của Đảng là việc làm hết sức quan trọng hiện nay
Bất cứ chúng ta làm việc gì, dù có tốt hay chưa tốt, dù đạt được những thành tựu hay còn hạn chế, thì sự xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch vẫn không khi nào ngừng nghỉ; có điều là sự xuyên tạc, chống phá đó ngày càng nham hiểm, tinh vi hơn và luôn có sự thay đổi, biến đổi để “phù hợp” với tình hình. Mỗi khi đất nước ta diễn ra sự kiện lớn gì, dù là sự kiện trong nội bộ đất nước, hay là sự kiện quốc tế diễn ra ở Việt Nam, hoặc là sự kiện quốc tế có liên quan đến Việt Nam, thì các thế lực thù địch, các phần tử chống đối, cơ hội đều coi đó như là “điều kiện” thuận lợi để công kích, xuyên tạc, chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, như là một “hoạt động ăn theo”.Chúng xuyên tạc chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt Nam, rằng đó là “đường lối trung dung”, là “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn; như thế là “tự cô lập” mình, “tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”! Có kẻ còn “hồ đồ” nói rằng, Việt Nam đang điều chỉnh quan hệ đối ngoại nhằm tìm kiếm đối tác chiến lược, thiết lập “liên minh mới” để “đối phó” với những quốc gia đang gây áp lực với mình. Lợi dụng một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là khi Việt Nam đẩy mạnh quan hệ với Mỹ và Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều tháng 2/2019 tổ chức tại Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper thăm chính thức Việt Nam tháng 11/2019…, một số thế lực cố tình xuyên tạc Việt Nam “đang ngấm ngầm “theo chân” nước này chống nước kia…”; Việt Nam đã “nghiêng về bên này để chống bên kia”, đã “từ bỏ” chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của mình!
Nội dung và chiêu thức chống phá của các thế lực thù địch trong nhiều trường hợp tưởng như mâu thuẫn nhau, nhưng thực chất là đều nhằm xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước, chống phá cách mạng Việt Nam. Khi thì chúng công kích đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta là “không hợp thời”, “lạc hậu”, khi thì lại nói xằng rằng Việt Nam đã “từ bỏ” chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ và đang ngấm ngầm “theo chân” nước này chống nước kia.
Chúng vừa trực tiếp, trực diện xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, lại vừa kích động, “kiến nghị” Việt Nam cần phải “dựa” vào một nước lớn nào đó để bảo vệ độc lập, chủ quyền; vừa xuyên tạc Việt Nam đang “theo chân” nước này chống nước kia, và lại vừa “yêu cầu” các nước, các tổ chức quốc tế can dự vào công việc nội bộ của Việt Nam. Điều đó cho thấy sự vô lối, lộn xộn và dã tâm của các thế lực thù địch, các phần tử chống đối và cơ hội chính trị trong mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam.
Sự chống phá đó đặc biệt nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang đẩy mạnh quan hệ với các nước trên thế giới, hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống nhân loại. Nếu chưa thể làm chệch hướng, vô hiệu hóa đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Việt Nam; chưa thể hạ thấp vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế, thì cũng có thể làm cho một bộ phận cán bộ và nhân dân ta suy giảm niềm tin vào đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, chúng ta gặp những khó khăn nào đó trong hoạt động đối ngoại và xử lý các mối quan hệ quốc tế.
Không thể xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay là “trung dung”, “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn. Ở đây, cần khẳng định rứt khoát cho họ hiểu rằng, chỉ có nhất quán và thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, không phụ thuộc vào bất cứ nước lớn hay nhóm nước nào, thì chúng ta mới có thể tận dụng tốt nhất các cơ hội, điều kiện thuận lợi phục vụ cho sự phát triển đất nước. Điều đó tuyệt đối không thể gọi “trung dung”, “đi dây” trong quan hệ với các nước lớn. Cần nhấn mạnh rằng, Việt Nam quan hệ với ai, quan hệ như thế nào, mức độ ra sao là hoàn toàn do nhu cầu của chính Việt Nam, nhằm phục vụ lợi ích, an ninh và phát triển đất nước, không thế lực nào có thể ép buộc Việt Nam phải thế này thế nọ. Đó là quang minh chính đại, là độc lập, tự chủ.
Không thể lợi dụng tình hình mà xuyên tạc chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay là đang “theo chân” nước này để chống nước kia. Hiện nay, Việt Nam vừa tăng cường quan hệ với Trung Quốc, lại vừa làm sâu sắc hơn quan hệ với Mỹ; và rất mong muốn mối quan hệ hợp tác của Việt Nam với hai nước lớn này ngày càng trở nên tốt đẹp, thực chất và hiệu quả hơn. Đó là quan điểm, lập trường và chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đó tuyệt nhiên không phải là chúng ta đang “theo chân” nước này chống nước kia, “nghiêng về bên này để chống bên kia” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch; và cũng không có thế lực nào có thể “hướng lái” được Đảng và Nhà nước Việt Nam phải đi theo ai và chống lại ai.
Trên thực tế, Việt Nam đã và đang vừa chú trọng tăng cường quan hệ với Trung Quốc, vừa làm sâu sắc hơn quan hệ với Mỹ, vừa nâng cao hiệu quả và thực chất mối quan hệ với Nhật Bản, Nga và Ấn Độ, cũng như với các nước lớn khác, các nhóm nước, các nước trên thế giới. Chúng ta cũng chủ động lựa chọn tham gia các cơ chế, các diễn đàn khu vực và toàn cầu để vừa thích ứng với các trào lưu, xu thế chung của thế giới, vừa phục vụ tốt nhất các lợi ích quốc gia – dân tộc. Việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả quan hệ với tất cả các nước lớn, đặc biệt là quan hệ với Mỹ và Trung Quốc là đúng đắn, phù hợp và tạo điều kiện rất thuận lợi cho Việt Nam xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán và thực hiện đúng đắn, sáng tạo chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
Hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 187 nước ở tất cả châu lục; có quan hệ, hợp tác với tất cả nước lớn, các Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 3 nước lớn; đối tác toàn diện với 10 nước, trong đó có Mỹ. Những năm gần đây, những sự kiện điển hình cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam và mức độ tin cậy ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Đó là việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng năm 2017; Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) năm 2018 tại Hà Nội; Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ – Triều lần hai tại Hà Nội 02/2019; và trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 với số phiếu gần như tuyệt đối (192/193) vào ngày 07/6/2019…Đặc biệt năm 2020, Việt Nam vinh dự đảm nhận những trọng trách lớn ở cả tầm khu vực và quốc tế, trong đó nổi bật là vai trò Chủ tịch ASEAN. Đây là cơ hội để Việt Nam đóng góp thực chất và nhiều hơn nữa vào phát triển Cộng đồng ASEAN hài hòa, tự cường, sáng tạo, gắn kết, bản sắc, trách nhiệm và có khả năng thích ứng cao.
Điều đó chứng thực một cách sinh động rằng, đất nước Việt Nam đang vững bước đi lên với một tư thế mới, tư thế của những người làm chủ, độc lập làm chủ và biết làm chủ vận mệnh của mình; với một vị thế mới, vị thế của một đất nước độc lập, tự chủ, hòa bình, ổn định đang trên đà phát triển và chủ động, tích cực, có trách nhiệm trong các “sân chơi” khu vực và toàn cầu. Đó là thực tế, là sự thật mà mọi người dân Việt Nam đều phấn khởi, tự hào, được bạn bè quốc tế tin tưởng, nể trọng./.
PGS, TS Nguyễn Mạnh Hưởng