Những cuộc chiến tranh vệ quốc đã đi qua nhưng những đau thương mất mát thì không gì bù đắp được. Hàng năm, cứ đến ngày 27/7, Nhân dân cả nước lại nhớ về những người lính đã quên mình vì Tổ quốc.
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành (Bắc Ninh)
Tinh thần xả thân vì nước của Nhân dân ta vốn có từ thời Vua Hùng dựng nước, trải qua thời Bà Trưng, Bà Triệu, thời Đinh, Lý, Trần, được phát huy triệt để qua những cuộc đấu tranh bảo vệ bờ cõi trước giặc xâm lược phương Bắc. Những cuộc khởi nghĩa đánh tan hàng chục vạn quân giặc xâm lược ỷ đông hiếp yếu, làm cho chúng hoảng sợ tháo chạy về nước mà vẫn còn “tim đập chân run”.
Trong cuộc chiến đấu vệ quốc này, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương, có người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Và rồi đã như thành truyền thống, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhân dân ta đã dành tình yêu thương của mình chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, bệnh binh một cách tận tình chu đáo hàng chục năm nay.
Đoàn quân của vua Quang Trung bách chiến bách thắng khiến quân xâm lược nhà Thanh “không còn mảnh giáp” che thân. Các nghĩa sĩ Cần Giuộc tuy không giành thắng lợi trước quân đội viễn chinh Pháp nhưng vẫn làm cho “mã tà, ma ní hồn kinh”… còn sức mạnh của những người lính trong thời đại Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa sức mạnh truyền thống và lý tưởng của thời đại. Họ chính là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong thời đại mới; là một trong những hình tượng đẹp nhất của lịch sử dân tộc.
Ghi nhớ công ơn
Ngày 27/7 là dịp người dân Việt Nam hướng về những liệt sĩ đã khuất, biết ơn và trân trọng những thương binh anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong cuộc sống hôm nay. Đây cũng là dịp để chúng ta nhớ về những trang sử hào hùng của cha ông, ghi ơn và tự nhắc nhở mình “Hãy sống sao cho xứng với những người đã khuất”. Tuy nhiên ngày nay không ít người vẫn chưa biết nhiều về lịch sử ngày 27/7.
Tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm Ngày Thương binh để đồng bào cả nước có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa và yêu mến thương binh. Đầu tháng 7, Ban Vận động tổ chức Ngày thương binh được thành lập, xác định mục đích yêu cầu và lựa chọn thời gian.
Cuối cùng, ngày 27/7 được lựa chọn vì có nhiều con số 7, tương đối dễ nhớ. 6 giờ chiều ngày 27/7/1947, tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, lễ mít tinh công bố ngày Thương binh toàn quốc đã diễn ra. Tham gia mít tinh có đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, tổng Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền cùng đông đảo Nhân dân huyện Đại Từ (Thái Nguyên).
Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7 hàng năm làm ngày Thương binh toàn quốc, là dịp để đồng bào “tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh”. Từ năm 1955 đến nay, ngày “Thương binh toàn quốc” được đổi thành ngày “Thương binh Liệt sĩ” và tên gọi đó được trân trọng lưu giữ cho đến hôm nay, trở thành ngày cả dân tộc ghi nhớ công ơn các anh hùng thương binh, liệt sĩ.
Uống nước nhớ nguồn
Sinh thời, cứ vào dịp 27/7 Bác Hồ có thư và quà gửi anh chị em thương binh và các gia đình liệt sĩ. Tư tưởng, tình cảm đó của Người được thể hiện trong lời kêu gọi, nhân ngày 27/7/1948: “Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó như một trận lụt to. Nó đe dọa tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe dọa cuốn trôi cả tính mệnh, tài sản, chìm đắm cả bố mẹ, vợ con của Nhân dân ta. Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta đã dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết tâm đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào. Họ quyết hi sinh tính mệnh để giữ tính mệnh đồng bào. Họ quyết hi sinh gia đình và tài sản họ để bảo vệ gia đình và tài sản đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sĩ anh dũng của chúng ta. Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở mặt trận, có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ…”.
Trải qua hơn 20 năm ròng chiến đấu cho lý tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do, hàng triệu đồng bào, đồng chí đã hi sinh cả cuộc đời mình, hàng chục vạn người đã cống hiến một phần thân thể của mình, những mất mát ấy không gì bù đắp được.
Bác Hồ thường xuyên viết thư thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, nhắc nhở trách nhiệm và động viên, biểu dương các địa phương, đơn vị và cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.
Tháng 2/1948, Người gửi thư dặn dò các cháu nhi đồng, phát động công tác Trần Quốc Toản, với những tình cảm thiết tha: “…Bác không phải mong các cháu tổ chức những “Đội Trần Quốc Toản” để đi đánh giặc và lập nhiều chiến công nhưng mà cốt để tham gia kháng chiến, bằng cách giúp đỡ đồng bào.
Từ 5 đến 10 cháu tổ chức thành một đội, giúp nhau học hành. Khi học rảnh, mỗi tuần mấy lần cả đội đem nhau đi giúp đồng bào. Trước thì giúp các nhà thương binh, lần lượt giúp nhà ít người. Sức các cháu làm được gì thì làm việc ấy”. Với quan điểm khoa học và đầy tinh thần lạc quan “tàn nhưng không phế”, Bác khuyên anh em thương binh: “khi đã khôi phục sức khỏe phải hăng hái tham gia công tác sản xuất để trở nên người công dân gương mẫu, Bác chúc các gia đình liệt sĩ trở thành những “gia đình cách mạng gương mẫu”.
72 năm qua, Đảng và nhà nước ta luôn quan tâm giải quyết vấn đề liệt sĩ, gia đình liệt sĩ và công tác thương binh. Tiếp nối truyền thông đền ơn đáp nghĩa, Uống nước nhớ nguồn, ngoài dịp lễ Tết, hàng năm vào dịp 27/7 các ban ngành đoàn thể, các địa phương lại tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh.
Thực hiện lời dạy của Bác “tàn nhưng không phế”, các gia đình liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh không ngừng vươn lên đóng góp trí tuệ và sức lực của mình cho công cuộc đổi mới và hội nhập kinh tế của đất nước. Không ít người đã từng là dũng sĩ trong chiến đấu nay lại trở thành những con người tài ba trong sản xuất kinh doanh.
Đã gần 44 năm qua, đất nước thống nhất đã cho mỗi chúng ta thật nhiều cơ hội trong sự nghiệp, gia đình và tương lai. Vì vậy ta phải luôn biết ơn những bậc ông cha đã ngã xuống cho chúng ta có cuộc sống tốt đẹp như hôm nay.
Hàng triệu con người Việt Nam đã ngã xuống, đã ra đi và không trở về…. có những người đã dành cả tuổi xuân cho đất nước. Những cô chú đã nhận về mình phần thiệt thòi mà không một lời kêu ca. Họ là những người cao thượng, đáng khâm phục nhất.
Sang Huỳnh (sưu tầm)