Ngày 9-6, Quốc hội đã phát Thông cáo báo chí về dự án Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Theo đó, sau khi tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học, nhà kinh tế, chuyên gia, cử tri và Nhân dân cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho lùi việc thông qua Dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 5 sang Kỳ họp sau của Quốc hội, nhằm bảo đảm dự án Luật khi trình Quốc hội thông qua đáp ứng được các yêu cầu, nguyện vọng của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân.
Sáng ngày 11 tháng 6 năm 2018, với 423/432 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 85,63% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã thống nhất với đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ đề nghị Quốc hội cho điều chỉnh thời gian thông qua dự án luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau, để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân, hoàn thiện dự thảo luật, bảo đảm xây dựng thành công ba đặc khu Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, giữ vững an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia. Chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có liên quan quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai tại các địa bàn dự kiến thành lập đặc khu, tích cực triển khai các công việc chuẩn bị về nguồn lực, điều kiện bảo đảm để khi luật và các nghị quyết được Quốc hội thông qua có thể thực hiện được ngay. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, làm rõ những vấn đề được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm để tạo sự đồng thuận cao đối với các nội dung của dự thảo luật.
Tuy nhiên trong những ngày gần đây, ở một số địa phương đã xảy ra tình trạng tụ tập đông người trái phép, gây ách tắc giao thông và có một số hành động quá khích ảnh hưởng đến cuộc sống của Nhân dân. Một số phần tử cơ hội, phản động đã lôi kéo, kích động Nhân dân làm sai lệch bản chất sự việc, gây ra sự ngộ nhận, hiểu lầm vấn đề nên có hành động quá khích. Để tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng lòng yêu nước của người dân, lôi kéo gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội; Nhân dân Thành phố hãy bình tĩnh, tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và đặc biệt khi quyết định về các dự án luật quan trọng, Đảng và Nhà nước luôn luôn cầu thị, lắng nghe góp ý của Nhân dân.
Có thể thấy, việc tiếp thu ý kiến Nhân dân của Chính phủ và Quốc hội (thông qua biểu quyết sáng ngày 11 tháng 6 năm 2018) là rất đáng hoan nghênh. Các tầng lớp Nhân dân, các nhân sĩ, trí thức, lãnh đạo các tôn giáo…đều đánh giá rất cao động thái mang tính cầu thị này. Điều đó đã thêm một lần nữa khẳng định sự sáng suốt, minh bạch và vì Dân của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Do đó, Nhân dân Thành phố cần bình tĩnh, hiểu đúng bản chất việc thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, như sau:
Việc thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là chủ trương lớn của Đảng đã được thông qua nhiều kỳ đại hội, do vậy cần quyết tâm triển khai thực hiện, làm từng bước vững chắc, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Do đó, Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; giao Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban Chỉ đạo, thành viên là đại diện các bộ, ngành, các địa phương có đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và các chuyên gia tham gia, các nhà khoa học. Song song đó, việc xây dựng đề án này đã được đầu tư chuẩn bị từ lâu, cụ thể, rõ ràng, có lộ trình thực hiện và đặc biệt với yêu cầu phải phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Việc thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là yêu cầu của sự phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với xu thế của các nước phát triển trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thực hiện thành công luật về đơn vị hành chính – đặc biệt, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Philipin,…
Việc thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc nhằm: khai thác tốt nhất các tiềm năng khu vực có lợi thế vượt trội, thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, hình thành khu vực tăng trưởng cao, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước.
Một số điểm cần biết về dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc và những lợi ích khi thành lập Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là đơn vị hành chính thuộc tỉnh, do Quốc hội quyết định thành lập, có cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế – xã hội, có tổ chức chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tinh gọn, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cơ hội đầu tư dành cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Kêu gọi nhà đầu tư chiến lược có năng lực tài chính, quản trị, có cam kết về việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ sạch hoặc công nghệ cao; cam kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, gắn bó lợi ích lâu dài với đặc khu và có dự án đầu tư tại đặc khu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 45.000 tỷ đồng. Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng phù hợp với quy hoạch đặc khu, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng. Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của đặc khu, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng. Dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch đặc khu, có ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế – xã hội hoặc tạo ra giá trị gia tăng đột biến tại đặc khu, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng.
Hiện nay, dự án đặc khu Vân Đồn đã ghi nhận 16 dự án đầu tư sẽ được triển khai thực hiện sau khi thông qua dự luật, trong đó: Nhà đầu tư trong nước: 10; Nhà đầu tư nước ngoài: 03 (Canada, Thuỵ Sỹ, Đan Mạch); ngoài ra còn 05 nhà đầu tư nước ngoài khác (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Áo, Hong Kong) đang tìm hiểu đầu tư. Nhà đầu tư chiến lược tại dự án đặc khu Vân Đồn: Tập đoàn Sun Group (Việt Nam) với 04 dự án có mức đầu tư dự kiến 30.700 tỷ đồng và 2,1 tỷ đô-la Mỹ.
Ngành nghề ưu tiên phát triển: Đặc khu Vân Đồn: công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; du lịch và công nghiệp văn hóa; cảng hàng không, cảng biển, thương mại. Đặc khu Bắc Vân Phong: công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chính xác; cảng biển; du lịch, khách sạn; trung tâm thương mại – tài chính. Đặc khu Phú Quốc: du lịch, khách sạn; thương mại, hội nghị, triển lãm, quản lý tài sản; y tế, giáo dục, nghiên cứu và phát triển.
Chính sách của Nhà nước về phát triển đặc khu: Có chính sách đặc biệt và tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên phát triển của đặc khu. Bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị – xã hội tại đặc khu.
Ưu đãi đầu tư: Ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt; miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Chính sách đối với người lao động: Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn đặc khu có trách nhiệm ưu tiên tuyển dụng, sử dụng lao động bị thu hồi đất, đối tượng tinh giản biên chế, lao động khác là người thường trú tại đặc khu. Không cấp phép lao động cho: Người lao động nước ngoài là chuyên gia, nhà quản lý, giám đốc điều hành có thời gian làm việc dưới 60 ngày và thời gian cộng dồn không quá 180 ngày trong 01 năm tại đặc khu; Người lao động nước ngoài là lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và thời gian cộng dồn không quá 90 ngày trong 01 năm tại đặc khu.
Hãy thể hiện tình yêu nước một cách sáng suốt và có trách nhiệm, là công dân có trách nhiệm, chúng ta kiên quyết không mắc mưu của những kẻ xấu. Bởi trên thực tế, việc hưởng ứng tụ tập đông người có thể dẫn đến những hậu quả sau:
Một là, dù người tham gia đơn giản nghĩ rằng mình chỉ phản đối dự thảo Luật Đặc khu nhưng đã vô tình “trúng kế” bọn xấu, lôi kéo ta trở thành người ủng hộ hoạt động chống Đảng và Nhà nước của bọn chúng. Thực tế, trong quá trình tuần hành, chúng sẽ lợi dụng đám đông để trưng biểu ngữ, khẩu hiệu phản động, chống phá Đảng và Nhà nước.
Hai là, khi tham gia trong đám đông, dù dưới danh nghĩa là “tuần hành ôn hòa” thì ít nhất cũng gây nên cảnh kẹt xe, gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc đi lại, buôn bán, sinh hoạt của rất nhiều người khác. Như vậy, việc tuần hành trước mắt đã gây thiệt hại trực tiếp đến hoạt động bình thường của chính bà con ta.
Ba là, khi tham gia tuần hành dù là ôn hòa, trong điều kiện tụ tập đông người, rất dễ xảy ra tình trạng bị mất mát tài sản do kẻ xấu trà trộn vào để trộm cắp. Ngoài ra, trong đám đông dễ dẫn đến những va chạm, từ đó hình thành các hoạt động bạo lực, có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho nhiều người.
Bốn là, khi có kẻ xấu kích động, giật dây để một số người có hành vi sai trái thì đám đông dễ bị tác động dây chuyền, dẫn đến những hành vi khó kiểm soát và những hậu quả khó lường. Chẳng hạn, chúng có thể khiêu khích và tấn công trước đối với lực lượng giữ gìn trật tự, nên khi bị khống chế, tạm giữ, tức thì chúng sẽ vu khống rằng lực lượng an ninh đàn áp người biểu tình. Trong đám đông, có khi thông tin không được tiếp nhận đầy đủ, chỉ thấy nhiều người la hét, tấn công ai đó… thì bị tác động và làm theo, như vậy từ chỗ vô ý sẽ trở thành hoạt động sai trái và theo chủ đích của kẻ xấu.
Năm là, từ thực tế cuộc tuần hành những ngày qua cho thấy: một số kẻ xấu, phản động có mục đích rõ ràng là lợi dụng đám đông để chống phá nhà nước, các phần tử quá khích khi tham gia biểu tình đã có hành vi sai trái là đập phá xe, tấn công lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, làm nhiều người lao động mất việc làm, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư của nước ta… Nếu chúng ta vô ý mà tham gia thì có thể vô tình tiếp tay cho hoạt động phá hoại đó của chúng và vi phạm pháp luật.
Là công dân có trách nhiệm, chúng ta đã bày tỏ ý kiến một cách tích cực, tham gia xây dựng đất nước, hết sức bình tĩnh, hiểu đúng bản chất việc, xây dựng xã hội bằng những hành động thiết thực, cụ thể, không nên tiếp tay cho kẻ xấu phá hoại sự bình yên của xã hội, của đất nước của Thành phố.
Người dân cần tham khảo thông tin chính thống ở đâu
Hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin, người dân kịp thời tham khảo thông tin ở các cơ quan báo chí và các trang mạng chính thống sau:
Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV), Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.
Các báo Trung ương và địa phương (báo giấy và báo mạng): Báo Nhân dân, Sài Gòn Giải phóng, Tuổi trẻ, Người Lao động, Phụ nữ,…). Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh. Trang Cờ Đỏ thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng thời để giúp các cơ quan chức năng và ổn định tình hình trên mạng, rất mong người dân không vô tình tán phát các clip kích động biểu tình:
Không nên đăng tải, tán phát hình ảnh, clip cảnh tụ tập đông người, gây rối. Sau khi có kết quả xử lý của cơ quan chức năng thì đăng tải để răn đe…
Báo cáo các clip tán phát, “kích động thù địch”.
Cảnh giác trước thủ đoạn livestream giả để gây rối thông tin, livestream của các trang bán hàng qua mạng để hút view, fame.
Cần chia sẻ những thông tin chính thống, những bài báo chính thống để Nhân dân được rõ.
Chúng ta nhận thấy, trong những ngày qua, một số đối tượng cơ hội chính trị đã lợi dụng tình cảm của Nhân dân, phát tán những lời kêu gọi dưới vỏ bọc “tình yêu Tổ quốc” trên mạng xã hội để kích động, lôi kéo người dân xuống đường, gây mất trật tự an ninh nơi công cộng, đã gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, làm tổn hại đến tinh thần của đại đa số quần chúng Nhân dân; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh đất nước thanh bình trong mắt các du khách quốc tế, đi ngược lại với nỗ lực của Nhà nước và Nhân dân ta đang quyết tâm thực hiện nhằm xây dựng một đất nước hòa bình, ổn định, dân chủ và văn minh, Do đó, chúng ta hết sức cảnh giác và thể hiện tình yêu nước một cách sáng suốt và có trách nhiệm.
(Nguồn Ban tuyên giáo)