Trong thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương, cơ quan doanh nghiệp, cá nhân về việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các đối tượng có hoạt động nghi vấn lừa đảo thông qua các hình thức tiếp nhận vốn nước ngoài. Tuy nhiên tình trạng lừa đảo vẫn diễn ra và ngày càng phức tạp, tinh vi dưới nhiều hình thức. Nguyên nhân: do một số bộ phận cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, nguồn vốn thanh toán nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng nên đặt niềm tin lớn vào lời hứa của các đối tượng; trình độ nhận thức, hiểu biết về các quy định trong tiếp nhận vốn vay nước ngoài còn hạn chế; công tác đấu tranh, xử lý các đối tượng còn nhiều khó khăn như: khó truy nguyên nguồn gốc giấy tờ giả, một số vụ việc hậu quả chưa xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng bị hại không có đơn yêu cầu cơ quan công an xử lý, các đối tượng không có nơi cư trú ổn định,…
*Một số đặc điểm, thủ đoạn hoạt động phổ biến như sau:
Các đối tượng phần lớn là lao động tự do, không có nghề nghiệp ổn định, các đối tượng đã có tiền án tiền sự, có mối quan hệ xã hội phức tạp; các doanh nghiệp được thành lập không có địa chỉ rõ ràng, thường xuyên thay đổi địa chỉ kinh doanh…
Câu kết, móc nối với các cá nhân (là đại diện các cơ quan, tổ chức, nhà đầu tư không có thật) nước ngoài vào tiếp xúc với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong nước để tạo niềm tin hoặc mời cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp ra nước ngoài để tiếp xúc, giao dịch, ký kết hợp đồng; thành lập doanh nghiệp có tên giống hoặc gần giống với các tổ chức có uy tín trên thế giới dễ gây nhầm lẫn. Đặc biệt các đối tượng tạo được niềm tin rất lớn với các cá nhân, tổ chức trong nước về nguồn tiền nên các cơ quan chức năng rất khó giải thích.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của các cá nhân, doanh nghiệp trong nước; tình hình khó khăn trong vốn đầu tư kinh doanh sản xuất; lòng tham của người dân để thực hiện hành vi lừa đảo.
Lợi dụng một số nghiệp vụ của ngân hàng (gửi, giữ tài sản); làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức để tạo niềm tin, chứng minh năng lực tài chính, nguồn gốc số tiền…
Thông qua các hình thức liên lạc (điện thoại, thư điện tử, mạng xã hội…) đề nghị các cá nhân làm trung gian để tiếp nhận các khoản tiền thừa kế, cho, tặng của các cá nhân ở nước ngoài đã chết (chủ yếu ở Châu Phi) để được hưởng phần trăm hoa hồng nhắm vào lòng tham của con người. Nếu mất cảnh giác, trả lời các đối tượng này sẽ bị yêu cầu ứng trước một khoản kinh phí (đi lại, ăn ở, giao dịch, góp vốn…) để làm thủ tục nhận tiền rồi chiếm đoạt.
Do các giấy tờ chứng nhận làm giả, không có thật, quan hệ vòng vo qua nhiều cá nhân, tổ chức trung gian nên khi được yêu cầu cung cấp các bản gốc, gặp trực tiếp người sở hữu tài sản thì các đối tượng không thể cung cấp được, không biết rõ người sở hữu là ai.
Từ các tình hình trên, Cơ quan Công an thông báo về các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng đến người dân để nâng cao cảnh giác đề phòng, không mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo. Nếu gặp các đối tượng với các biểu hiện như trên hoặc các biểu hiện nghi vấn khác người dân cần tỉnh táo và báo cho cơ quan công an để kịp thời xử lý./.
Ban biên tập