Cách đây 72 năm, quân và dân Sài Gòn – Gia Định đã anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch, bắt đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Tinh thần đoàn kết và ý chí quật cường của quân và dân ta là điều kiện tiên quyết dẫn tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong mọi thời kỳ.
Đồng lòng kháng chiến
Ngày 02/9/1945, khi nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn mít tinh mừng Độc lập, tàn quân Pháp xả súng bắn làm 47 đồng bào ta bị chết và nhiều người bị thương. Tự vệ của ta bắn trả và bắt giam một số. Vu cáo ta không giữ được trật tự trong thành phố, phái bộ Anh sai bọn lính Nhật tước vũ khí và đòi ta giải tán các đơn vị tự vệ, cấm đồng bào ta biểu tình. Đêm 04/9/1945, công nhân Sài Gòn mít tinh, biểu dương lực lượng và tuyên thệ: “Quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ non sông”.
Ngày 06/9/1945, quân Anh tước khí giới quân Nhật, thả số tù binh Pháp bị quân Nhật bắt giữ từ ngày Nhật đảo chính và đóng cửa các tòa báo của ta. Ngày 21/9, quân Anh chiếm đóng trụ sở cảnh sát quận 3, thả tù binh Pháp và trang bị vũ khí cho chúng, đồng thời ra lệnh thiết quân luật, cấm nhân dân ta không được biểu tình, hội họp, đem theo vũ khí và đi lại ban đêm. Tối 22/9, sau khi chiếm Đài vô tuyến điện, quân Anh làm ngơ để quân Pháp đánh úp Sài Gòn. Đến ngày 23/9, được quân Anh giúp đỡ và sự yểm trợ của tàn quân Nhật, thực dân Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương. Như vậy là chỉ 21 ngày sau khi khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam Bộ phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu quyết kháng chiến. Hội nghị quyết định: Triệt để tổng đình công, không hợp tác với giặc Pháp, đánh du kích, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch. Chiều ngày 23/9, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Khắp phố phường vật chướng ngại mọc lên. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Ngay trong những ngày đầu, nhân dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công xuất sắc, anh dũng đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.
(Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chỉ tịch Hồ Chí Minh)
Ngày 26/9/1945, qua Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hi sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà”.
Mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh
Cuộc chiến đấu của nhân dân Sài Gòn nói riêng và nhân dân Nam Bộ nói chung đã mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta chống thực dân Pháp. Cuộc chiến đấu anh dũng nêu gương về tinh thần kiên cường, bất khuất, “thà chết tự do còn hơn sống nô lệ”, đem lại những bài học kinh nghiệm quý báu về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết một lòng, quyết tâm kháng chiến lâu dài để bảo vệ Tổ quốc.
Trong điều kiện miền Bắc gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn phát động nhiều phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Hàng vạn thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ đã tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc. Nhân dân đóng góp tiền bạc, quần áo, thuốc men ủng hộ đồng bào miền Nam. Chi đội Giải phóng quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội đêm 26/9, mở đầu phong trào cả nước ra trận, phản ánh ý chí nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, Nam – Bắc một nhà.
Gần cuối tháng 10/1945, quân Pháp được tăng viện với sự hỗ trợ của quân Anh, phá vòng vây xung quanh Sài Gòn đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Ngày 23/10/1945, Bác Hồ gửi cho đồng bào Nam Bộ lá thư thứ hai, trong đó có đoạn: “Quân Pháp nấp dưới bóng quân đội Anh đang tàn sát đồng bào ta trong xứ. Ở Mỹ Tho, ở Tân An, ở Biên Hòa, Nha Trang, quân Pháp đã xâm phạm nền độc lập của chúng ta. Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy tinh thần hy sinh chiến đấu…”.
Một tháng sau, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” đã vạch rõ đường lối và nhiệm vụ cơ bản của toàn dân là “củng cố chính quyền nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”, tập trung cuộc đấu tranh vào “kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược”.
Những ngày tháng hào hùng và ý chí sắt đá vì độc lập dân tộc của quân dân Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định và phong trào Nam tiến của nhân dân miền Bắc đã thể hiện tinh thần dũng cảm, thể hiện ý thức đoàn kết Bắc – Nam một nhà. Quân dân Nam Bộ đã đi đầu trong sự nghiệp kháng chiến, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu và hành động đánh nhanh thắng nhanh của chúng ở miền Nam, góp phần ngăn cản bước tiến của quân Pháp tạo điều kiện cho nhân dân miền Bắc chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đã tạo điều kiện để toàn Đảng toàn dân ta chuẩn bị và tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài trong cả nước.
Ngày nay, tinh thần chiến đấu quật cường, và truyền thống đoàn kết của Ngày Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên giá trị. Nó là động lực cổ vũ toàn dân tộc đồng tâm nhất trí, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, nêu cao tinh thần kháng chiến dũng cảm, xả thân của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Ngọn lửa Ngày Nam Bộ kháng chiến năm xưa sẽ vẫn tiếp tục được thắp lên trong công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước, quê hương hôm nay vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.