Vụ chiêm xuân năm ấy (1958), trời nắng hạn kéo dài, ruộng đồng Mễ Trì nứt nẻ chân chim, công việc sản xuất nông nghiệp khó khăn. Chi bộ đảng Mễ Trì đã động viên lực lượng thanh niên và tổ chức nông dân đi đầu trong công tác chống hạn. Sau hàng tháng trời vất vả, hàng chục giếng đất, hố đấu, ao chuôm, mương máng được đào và nạo vét trên khắp cánh đồng thôn Thượng, thôn Hạ và Phú Đô. Dòng nước mát, từ đó chảy theo những con mương nhỏ tưới xanh trở lại 40 mẫu mạ xứ đồng Sung vàng héo hôm nào. Trên đồng ruộng Mễ Trì, từ ruộng thấp đến ruộng cao đã nhộn nhịp tiếng cười của người cày, người cấy.
Mễ Trì trở thành nổi tiếng về chống hạn không những ở Thủ đô mà còn là một trong những điển hình của toàn miền Bắc. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn theo dõi tình hình chống hạn và quyết định về thăm Mễ Trì. Hôm ấy, tại đình làng Hạ, trên hai trăm đại biểu đang họp nghe báo cáo thành tích chống hạn thì được tin Bác Hồ về thăm.
Từ trên xe ô tô bước xuống, Bác nhìn thẳng vào đình, Bác mặc bộ quần áo ka ki xanh bạc màu, đội mũ cát vành to, chân đi đôi dép cao su đã cũ. Mọi người đứng lên chào Bác, ai cũng muốn đứng gần Bác. Hiểu tâm trạng của mọi người, Bác vẫy tay thân mật ra hiệu cho các đại biểu ngồi xuống trật tự. Bằng giọng nói ấm áp Bác hỏi:
– Chú nào đại diện cho xã đây?
Khi ấy, đồng chí Nguyễn Thanh Lương đang đứng gần Bác, xúc động quá khẽ nói:
– Dạ thưa Bác, cháu ạ.
Bác lại hỏi:
– Chú làm gì?
– Thưa Bác, cháu làm Phó Bí thư Chi bộ kiêm Bí thư Nông hội xã ạ.
Bác âu yếm nhìn đồng chí Lương rồi hỏi tiếp:
– Chú bao nhiêu tuổi rồi?
– Thưa Bác cháu 19 tuổi ạ.
– Bác cười nắm chặt tay đồng chí Lương:
– 19 tuổi, trẻ quá!
Bác quay sang các đại biểu:
– Nhân dân xã Mễ Trì làm tốt công tác thủy lợi phải không?
Không ai bảo ai, cả hội trường sung sướng đồng thanh nói:
– Thưa Bác, vâng ạ!
Bác nói tiếp:
– Được tin Mễ Trì làm tốt công tác chống hạn, hôm nay Bác về thăm…
Bác khen thành tích chống hạn của cán bộ và Nhân dân trong xã, Bác động viên bà con hãy cố gắng chống hạn tốt hơn nữa để làm vụ đông xuân hết diện tích. Bác bảo:
Đồng bào Mễ Trì phải “vắt đất ra nước thay trời làm mưa” đừng tin vào cầu đảo lễ bái. Hôm nay Bác xuống thăm và có phần thưởng cho Mễ Trì. Bác trao ba huy hiệu này cho xã, ai có thành tích xuất sắc trong công tác chống hạn thì tặng.
Và ba chiếc huy hiệu đó được tặng cho các ông: Nguyễn Văn Chi, Nguyễn Văn Tú, và bà Lê Thị Hương là những nông dân có thành tích chống hạn xuất sắc nhất.
Sau đó Bác đi thăm đồng, Bác đi thăm giếng nước chống hạn ở cánh đồng xứ Cửa Miếu. Đường bờ ruộng chật hẹp, các em thiếu nhi dẫm lên các trà mạ cạnh đường, thấy thế Bác Hồ liền nhắc:
– Các cháu đừng đi xuống đó, dẫm chết hết mạ rồi.
Đến giếng đồng xứ Cửa Miếu, Bác hỏi đồng chí Lương đi bên cạnh:
– Giếng này các chú đào bao lâu?
– Thưa Bác, chúng cháu đào một tuần ạ.
– Lực lượng nào đào?
– Thưa bác, chủ yếu là thanh niên và trung niên ạ.
– Các chú đào được bao nhiêu giếng to như thế này rồi?
– Thưa bác, mới 9 chiếc ạ.
Trước khi ra về Bác còn căn dặn mãi chúng tôi cần tiếp tục làm tốt việc chống hạn để lúa đạt năng suất cao cho nhân dân được cơm no áo ấm và nếu làm tốt Bác sẽ có phần thưởng.
Trích đăng từ cuốn “Những câu chuyện kể về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Nhà xuất bản Thông tin truyền thông phát hành năm 2016.